Tới dự chuyên đề có các đồng chí: Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành đoàn, đồng chí Nguyễn Hoàng Linh - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; đồng chí Phạm Việt Anh - Ủy viên Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận, đồng chí Phạm Thị Thu Hà – Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đồng chí Phạm Sỹ Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân cùng các đồng chí là lãnh đạo chuyên viên phòng giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và các giáo viên môn Khoa học tự nhiên đến từ các trường trên địa bàn thành phố.
Với mục tiêu triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với môn KHTN - là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của khoa học vật lí, hoá học, sinh học..., đa số giáo viên giảng dạy KHTN còn lúng túng khi triển khai giảng dạy nội dung chưa phải là thế mạnh của mình, Công nghệ AI đã được ứng dụng để hỗ trợ giải quyết những vướng mắc của giáo viên trong giảng dạy giúp giáo viên và học sinh chủ động hoàn thành các nhiệm vụ dạy và học một cách sinh động, linh hoạt, nhanh chóng.
Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe ông Đặng Ngọc Thuyên - Chuyên gia AI báo cáo về "tác động và hỗ trợ của công nghệ AI với giáo dục", trong báo cáo trình bày và giới thiệu về những lợi ích và ứng dụng thực tế của AI trong quá trình dạy và học, kèm theo các ví dụ minh họa.
Sau khi nghe báo cáo các đại biểu dự tiết dạy minh họa “Giới thiệu về liên kết hóa học” bộ sách Kết nối tri thức Khoa học Tự nhiên lớp 7, do cô giáo Lưu Thị Mai Phương thực hiện. Trong tiết học, giáo viên ứng dụng công nghệ AI và các phần mềm vào giảng dạy qua việc sử dụng Chat GPT hỗ trợ học sinh giải thích kiến thức một cách chi tiết và phần mềm mô phỏng giúp học sinh quan sát cấu trúc và quá trình hình thành liên kết hóa học một cách trực quan. Việc sử dụng các phần mềm kiểm tra như Kahoot tạo ra môi trường học tập tương tác, giúp đánh giá hiệu quả hơn. Một số phần mềm tạo bài hát, thơ, vè và bản đồ tư duy giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo cũng được cô giáo ứng dụng và nhận được sự tương tác, hưởng ứng tích cực từ học sinh. Qua đó làm cho bài học trở nên sinh động, sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, hướng đến môi trường học tập hiện đại, hiệu quả.
Chuyên đề được tổ chức nhằm mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên, hỗ trợ giáo viên sử dụng AI để tạo ra các bài giảng trực quan và hấp dẫn; tạo môi trường học tập tương tác qua việc AI giúp học sinh tham gia vào các thí nghiệm ảo, từ đó hiểu rõ hơn về các hiện tượng khoa học; đồng thời cá nhân hóa lộ trình học tập, AI giúp theo dõi tiến độ học tập của từng học sinh, từ đó điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với nhu cầu riêng của từng em.
Chuyên đề của trường THCS Trần Phú nằm trong chuỗi các hoạt động góp phần tích cực vào “Ngày hội chuyển đổi số Quận Lê Chân” hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia tại Thành phố Hải Phòng năm 2024, đây là cơ hội để các cán bộ quản lý và giáo viên nhìn nhận đúng về vai trò của AI trong giáo dục, nhận thức được sự cần thiết sử dụng công nghệ trí tuệ thông minh trong giảng dạy ngay hôm nay. Với sự hỗ trợ của AI, giáo viên sẽ có thêm công cụ mạnh mẽ để truyền tải kiến thức, học sinh sẽ có môi trường học tập tốt hơn, và cả hệ thống giáo dục đạt bước tiến xa hơn.Tạo cơ hội học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên và giáo viên và giữa các trường THCS trong toàn thành phố.Tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.